Không phải Milo là một vận động viên tồi. Cậu ấy ổn. Chà, thôi được, cậu ấy ở mức trung bình. Cậu ấy không phải là kẻ lười biếng – không bao giờ. Nhưng cậu ấy cũng không phải là một ngôi sao nổi bật. Ít nhất, đã không ai nghĩ thế - cho đến ngày cậu ấy phá kỷ lục của trường ở cự ly chạy 220m.
Milo được xếp vào lớp chạy bậc 6. Để tìm ra những “tài năng ẩn giấu”, các thầy giáo thể dục của trường trung học yêu cầu tất cả học sinh thuộc dạng “không-có-tư-chất-vận-động-viên” cùng chạy và tính giờ (tất cả những học sinh “có-tư-chất” đã được xếp vào lớp chạy bậc 7 – lớp được huấn luyện đặc biệt). Nhìn chung thì việc này đã tự chứng tỏ là một việc vô ích. Hầu hết các huấn luyện viên tin rằng bất kỳ học sinh nào có tư chất của vận động viên điền kinh thì đều đã được phát hiện ra từ trước khi vào trung học cả vài năm. Tuy nhiên, vẫn luôn có khả năng là một “thiên tài nở muộn” nào đó lại xuất hiện, hoặc một học sinh mới chuyển tới – những người này có thể là nguồn bổ sung tốt cho đội điền kinh của trường, trong một đợt thi đấu nào đó. Cho nên, các huấn luyện viên vẫn tính giờ cho những học sinh “không-có-tư-chất-vận-động-viên” – họ không kỳ vọng gì cả, nhưng họ vẫn hy vọng tìm thấy được điều gì đó.
Milo đã luôn khá là nhanh nhẹn – không thực sự nhanh, nói thật là thế, nhưng nhanh hơn… chà, nhanh hơn một số người. Cho nên cậu ấy không ngạc nhiên lắm khi về đích đầu tiên trong nhóm chạy của mình, ở cự ly 220m. Nhưng cậu ấy lại ngạc nhiên vì vẻ mặt nể phục và kinh ngạc của thầy phụ trách khi thầy đọc mức thời gian của Milo.
- Như thế thì có tốt không ạ? – Milo lơ ngơ hỏi lại.
Thầy phụ trách nhìn Milo, bàng hoàng và sửng sốt.
- Đây là một kỷ lục mới của trường – Thầy nói – Thực tế, thầy khá chắc chắn rằng đây là một kỷ lục của bang, thậm chí có thể là kỷ lục thế giới ở lứa tuổi của em.
Vào chính khoảnh khắc đó, thế giới của Milo thay đổi. Bỗng nhiên, cậu ấy trở nên đặc biệt. Thầy phụ trách tỏ rõ sự khâm phục và đối xử với cậu khác hẳn. Những cậu con trai khác trong đội thì có vẻ lo lắng vì đội mình bỗng lại có một tài năng không thể tin nổi như thế. Còn tất cả các thành viên còn lại của hàng ngũ những học sinh “không-có-tư-chất-vận-động-viên” thì nhìn Milo gần như là một người hùng – dù thành công của cậu ấy có nghĩa là cậu ấy không còn thuộc cùng hàng ngũ với họ nữa.
- Bây giờ cậu sẽ tham gia vào đội điền kinh của trường à? – Một người bạn hỏi Milo.
- Tớ còn nhanh hơn cả Johnny Bibler (cậu học sinh chạy nhanh nhất trường, tính đến trước buổi chiều hôm đó); nên tớ cảm thấy mình có trách nhiệm phải tham gia ấy chứ - Milo đáp.
Mọi chuyện có vẻ hơi phấn khích – cho đến khi thầy giáo thể dục phát hiện ra rằng thầy đã nhầm vạch đích ở một đoạn lề đường chạy, và tóm lại là Milo chỉ chạy có 180m thay vì mức 220m như yêu cầu. Nói cách khác, nếu Milo và Johnny Bibler thi đấu với nhau, thì Johnny có thể đã vượt Milo khoảng 40m.
Chắc là vậy.
- Hôm đó tớ chạy cũng khá ổn – Milo nói – Có lẽ tớ đã chạy đủ nhanh đến mức thầy phụ trách hẳn sẽ sẵn sàng mời tớ vào đội để huấn luyện thêm cho tớ. Nhưng tớ không bao giờ có cơ hội chạy đủ quãng đường, nên tớ chẳng bao giờ biết được thực sự là thế nào.
Thật không may, rất nhiều người trong số chúng ta đang chạy 180m trong một thế giới 220m. Rất nhiều người làm ngắn quãng đường chạy của mình thay vì cố đẩy mình đến hết mức tiềm năng. Vì chúng ta muốn mình ở mức “bình thường” và không muốn mình phải “nghiêm trọng” quá mức, nên chúng ta nghĩ rằng ở mức trung bình là ổn rồi. Chúng ta tự bảo mình rằng mức C là chấp nhận được, dù chúng ta biết mình có thể đạt được mức A hoặc B. Chúng ta cho phép mình dùng lời biện hộ “việc đó rất nhàm chán” cho tất cả mọi việc, từ việc không muốn học ngoại ngữ tới việc dọn nhà vào cuối tuần. Chúng ta không yêu cầu mình phải kiểm soát bản thân. Chúng ta muốn làm cho cuộc sống dễ dàng hơn và bớt căng thẳng hơn. Nhưng sự thật không phải thế. Đến cuối cùng, đâu đó dọc đường, có thể sớm thôi, cuộc sống sẽ đòi hỏi chúng ta chạy đủ 220m – không biện hộ, không ngừng lại giữa chừng. Những người chưa học cách đẩy mình đến hết mức tiềm năng sẽ cảm thấy thật khó khăn, hoặc không thể đương đầu.
Và, giống như Milo, họ sẽ không bao giờ biết thêm 40m nữa thì mọi chuyện có thể sẽ khác đến thế nào.
hoahoctro.vn
No comments:
Post a Comment
Hãy chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của bạn với mọi người!