Bạn đọc thân mến của tôi, khi các bạn đọc tới dòng chữ này thì thú thật tôi vẫn còn nuôi trong lòng một bí mật. Chắc các bạn cũng thấy cuốn sách mà tôi đang viết và các bạn đang đọc không hề giống bất cứ cuốn sách nào tôi đã từng viết và các bạn đã từng đọc trước đây.
Tôi đã định giữ kín bí mật này, kể cả khi cuốn sách đã kết thúc và nhà xuất bản đã in ra. Nhưng vì các bạn đã kiên nhẫn đọc tới đây, đã nộp cho cuốn sách một khoảng thời gian như người ta nộp tiền cho Cục thuế thì tôi thấy các bạn không có lý do gì không được hưởng quyền được thông tin về tác phẩm mà các bạn đã bỏ tiền ra mua và bỏ thì giờ ra đọc.
Sẵn đây, tôi tiết lộ luôn: thực ra cái tôi đang viết không phải là một cuốn tiểu thuyết.
Thực tế đây là một bản tham luận mà tôi định sẽ trình bày trong cuộc hội thảo Trẻ em như một thế giới do Ủy ban UNESCO tại Việt Nam phối hợp với Bộ giáo dục tổ chức, với sự góp mặt của các nhà nghiên cứu giáo dục, các chuyên gia tư vấn tâm lý, các nhà báo phụ trách mảng học đường và giáo dục gia đình, cuối cùng là các nhà văn viết cho trẻ em.
Tất nhiên đây là bản tham luận sẽ không bao giờ được đọc trên diễn đàn, thậm chí không được gửi tới cuộc hội thảo theo đúng kế hoạch trước đó. Lý do tại sao thì tôi sẽ nói sau.
Mà thôi, tôi nói ngay đây.
Có nhiều lý do.
Mỗi lý do mang một hình hài cụ thể.
Lý do đầu tiên mang hình hài của thằng Hải cò.
Gọi thằng Hải cò là gọi theo thói quen, gọi theo cách tôi vẫn gọi nó vào cái thời chúng tôi tám tuổi.
Bây giờ, đúng ra tôi phải gọi Hải cò là ông Hải cò. Như vậy cho nó lịch sự. Vì Hải cò bây giờ đã nhiều tuổi lắm rồi, đại khái bằng cái mức 8 tuổi nhân cho 6, tức là khoảng trên dưới 50, nếu chúng ta vẫn quyết tin theo bản cửu chương.
Hải cò đột ngột đến thăm tôi vào một chiều mưa gió, nhưng cuộc gặp gỡ không được lãng mạn như trong nhạc Tô Vũ.
Hải cò kéo ghế thả người rơi đánh phịch, hỏi độp ngay:
- Nghe nói cậu đang viết một bài gì đó về tụi mình hồi còn bé phải không?
- Ủa, sao cậu biết? - Tôi dựng mắt lên.
- Cậu không cần biết tại sao tôi biết. Cậu chỉ cần trả lời là có chuyện đó không.
Giọng Hải cò rất giống giọng của một quan tòa, mặc dù tôi biết nó đang là giám đốc một công ty không liên quan gì đến pháp luật.
- Ờ, ờ... có. - Tôi dè dặt đáp.
- Có thật à?
Hải cò chồm người tới trước và reo lên, cứ như thể nó vừa bắt quả tang tôi đang làm chuyện gì phạm pháp.
Tôi liếm môi:
- Đó chỉ là một bản tham luận...
Hải cò cắt ngang:
- Nó là bản tham luận hay không phải bản tham luận, điều đó không quan trọng. Tôi chỉ quan tâm cậu viết cái quái gì trong đó...
Hải cò rặt một giọng gây hấn. Tôi nhìn chăm chăm vào mặt nó, cảm giác nó đã biết tôi viết những gì về nó.
- Thì những chuyện vụn vặt của tụi mình hồi nhỏ...
Tôi lấy giọng êm ái, cố nhấn mạnh từ “vụn vặt” để trấn an thằng bạn cũ.
Bằng ánh mắt cảnh giác, Hải cò nhìn tôi một lúc, rồi nó đột ngột chìa tay ra:
- Cậu đưa tôi xem thử nào.
Thoạt đầu tôi đã định từ chối nhưng rồi nhận thấy làm thế càng khiến Hải cò nghi ngờ và cuối cùng tôi cũng không thoát được nó, bèn rút ngăn kéo lấy xấp bản thảo thảy lên bàn:
- Cậu đọc đi! Chẳng có gì nghiêm trọng cả.
Tôi tặc lưỡi nói thêm, cố tình xoáy vào khía cạnh tình cảm:
- Chỉ là những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ.
Hải cò không bị những mỹ từ của tôi đánh lừa. Nó thận trọng lật từng trang bản thảo và nhìn cái cách nó săm soi từng con chữ, tôi có cảm giác không phải nó đọc mà nó đang sục sạo dò tìm.
Thỉnh thoảng nó lại giật nảy trên chỗ ngồi:
- Chà chà, đánh lộn đánh lạo! Không ổn rồi!
- Úi chà! Không thể như thế được! Giám đốc một công ty lớn không thể dạy con theo kiểu bá láp như thế này được.
Tôi lo lắng:
- Kiểu gì?
Hải cò đập tay lên bàn đánh chát:
- “Mày giữ gìn tập vở sạch sẽ như thế này mày không sợ thầy cô bảo ba mẹ mày không biết dạy con hả thằng kia?”. Hừ, một giám đốc thì không đời nào quát con như thế! Đây nữa! - Hải cò gí mạnh ngón tay vô trang giấy như đang cố đè bẹp một con ruồi - “Đến giờ cơm là ngồi vô ăn, chỉ có kẻ không được giáo dục đến nơi đến chốn mới làm như vậy!”...
Nó giơ hai tay lên trời:
- Ối trời ơi! Cậu muốn giết tôi hả, Mùi?
Hải cò bỏ chữ “cu” trước tên tôi nhưng hắn vẫn quát tôi như quát một thằng cu.
- Đây chỉ là chuyện hồi nhỏ. Hồi tụi mình mới tám tuổi. - Tôi phân trần bằng cả giọng nói lẫn vẻ mặt.
- Tám tuổi cũng thế. - Mặt Hải cò đỏ gay - Giám đốc một công ty lớn thì không thể ăn nói như thế hồi tám tuổi. Các đối tác sẽ nghĩ gì về tôi nếu biết hồi bé tôi là một đứa hư hỏng.
- Mình không nghĩ như vậy là hư hỏng.
- Đó là ý nghĩ của cậu...
- Nhưng mình có bịa đâu. Mình ghi lại những gì cậu đã nói hồi tám tuổi. Hồi đó...
- Hồi đó là hồi đó. Bây giờ là bây giờ. Tám tuổi thì con người ta làm bao nhiêu là chuyện ngốc nghếch. Bây giờ cậu lôi ra bêu riếu để làm gì.
Tôi không thể nào tiêu hóa nổi lập luận của Hải cò. Nhưng tôi biết tôi không thuyết phục nó được. Thằng Hải cò hồn nhiên phóng khoáng bao nhiêu thì ông giám đốc Hải cò tính toán và cố chấp bấy nhiêu.
Thằng Hải cò sẵn sàng làm những gì nó muốn, trong khi ông Hải cò chỉ muốn làm những gì người khác muốn. Có lẽ đó lại là một điểm khác biệt nữa giữa trẻ con và người lớn. Điều đó cho thấy nếu cần tẻ nhạt thì đời sống người lớn còn tẻ nhạt gấp trăm lần so với trẻ con.
Cuối cùng, tôi thở dài:
- Thế cậu muốn sao?
- Cậu phải gạch bỏ hết những chi tiết dở hơi đó. - Hải cò đáp giọng dứt khoát.
- Không được! Thế thì còn gì bản tham luận của mình.
- Đó là chuyện của cậu. - Hải cò lạnh lùng, có vẻ quyết dồn tôi vào chân tường.
Tôi uống một hớp nước để dằn cơn giận.
- Thế này vậy. - Tôi đặt vội chiếc ly xuống bàn để không phải xáng nó vào tường - Mình sẽ không gạch bỏ hay tẩy xóa gì hết. Nhưng mình sẽ đổi tên nhân vật.
oOo
Con Tủn đến, ngồi đúng vào chiếc ghế Hải cò ngồi hôm qua.
Tôi khỏi cần giải thích, các bạn cũng đã biết lý do thứ hai mang hình hài con Tủn.
Con Tủn ngồi đúng vào chiếc ghế Hải cò đã ngồi và hỏi đúng cái câu Hải cò đã hỏi:
- Nghe nói anh đang viết một bài gì đó về tụi mình hồi còn bé phải không?
Chỉ có phản ứng của tôi là khác. Tôi gật đầu như máy:
- Đúng vậy. Và anh biết là không nên lôi chuyện ngốc nghếch hồi bé ra bêu riếu. Hiệu trưởng một ngôi trường lớn như em không thể nhận một tin nhắn kiểu như “Chiều nay chúng ta lên giường một chút chăng?” hồi tám tuổi. Học sinh và phụ huynh học sinh sẽ nghĩ sao về em, đúng không?
Con Tủn cũng gật đầu như máy, giống hệt tôi:
- Đúng, đúng!
Tôi tiếp tục phục thiện:
- Vì vậy mà anh quyết định sẽ đổi tên nhân vật. Cái cô bé nhận mẩu tin quá sức hư hỏng đó không phải là cô Tủn mà sẽ là cô Hồng Hạnh hay cô Anh Đào nào đó.
Cuộc gặp gỡ giữa tôi và con Tủn hôm đó ngọt ngào như ướp đường.
Nó không đòi đọc bản thảo. Cũng không giở giọng quan tòa. Mà có là quan tòa thật thì chắc nó cũng hết sức dịu dàng hoan hỉ khi chưa hỏi câu nào bị cáo đã khai nhận tuốt tuồn tuột và thành khẩn hứa hẹn sẽ sửa chữa mọi lỗi lầm.
No comments:
Post a Comment
Hãy chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của bạn với mọi người!